Thứ 2 - 7 8:00 AM - 17:00 PM
Trang chủ / Các trường hợp phải nhận biết khách hàng để phòng, chống rửa tiền
17/05/2023
Nhận biết khách hàng là một trong những biện pháp phòng, chống rửa tiền theo Nghị định 19.
Cụ thể, các tổ chức tài chính phải nhận biết khách hàng trong các trường hợp sau:
- Khi khách hàng lần đầu mở tài khoản, bao gồm tài khoản thanh toán, ví điện tử và các loại tài khoản khác hoặc khi khách hàng lần đầu thiết lập mối quan hệ với tổ chức tài chính nhằm sử dụng sản phẩm, dịch vụ do tổ chức tài chính cung cấp;
- Khi khách hàng không có tài khoản hoặc có tài khoản nhưng không giao dịch trong 06 tháng liên tục trước đó thực hiện giao dịch nộp, rút hoặc chuyển khoản có tổng giá trị từ 400 triệu đồng hoặc bằng ngoại tệ có giá trị tương đương trở lên trong 01 ngày trừ giao dịch tất toán hoặc rút lãi tiết kiệm, trả nợ thẻ tín dụng...
- Khi khách hàng hoặc giao dịch của khách hàng hoặc giao dịch của các bên liên quan có một hoặc nhiều dấu hiệu quy định tại các Điều 27, 28, 29, 30, 31 của Luật Phòng, chống rửa tiền hoặc dấu hiệu đáng ngờ khác do đối tượng báo cáo xác định;
- Khi khách hàng bổ sung thông tin, tài liệu không trùng khớp với thông tin, tài liệu đã cung cấp trước đó hoặc thông tin, tài liệu do đối tượng báo cáo thu thập, xác định.
Các trường hợp phải nhận biết khách hàng để phòng chống rửa tiền (Ảnh minh họa).
Tổ chức, cá nhân kinh doanh trò chơi có thưởng như trò chơi trên mạng, casino, xổ số, đặt cược... phải nhận biết khách hàng khi khách hàng thực hiện giao dịch với tổng giá trị từ 70 triệu đồng hoặc bằng ngoại tệ có giá trị tương đương trở lên trong 01 ngày.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại và dịch vụ tư vấn phải nhận biết khách hàng đối với bên mua, bên bán trong hoạt động môi giới mua, bán bất động sản; đối với chủ sở hữu tài sản trong hoạt động cung cấp dịch vụ quản lý bất động sản.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh kim khí quý, đá quý phải nhận biết khách hàng khi khách hàng thực hiện giao dịch bằng tiền mặt có giá trị từ 400 triệu đồng hoặc bằng ngoại tệ tiền mặt có giá trị tương đương trở lên trong 01 ngày.
Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý phải nhận biết khách hàng khi thực hiện các giao dịch liên quan đến thành lập, điều hành hoặc quản lý các thỏa thuận pháp lý.
Tổ chức, cá nhân khi cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp phải nhận biết khách hàng khi khách hàng sử dụng hoặc yêu cầu sử dụng dịch vụ.
Tổ chức, cá nhân khi cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba phải nhận biết khách hàng đối với bên thứ ba và người giám đốc hoặc thư ký đó.
Nghị định 19/2023/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 28/4/2023.
Nguồn Luật Việt Nam.