Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Chính phủ đặt ra 6 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS

Chính phủ đặt ra 6 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS

15/03/2023


Ngày 11/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Hiện nay, thị trường vẫn còn nhiều khó khăn về thể chế, nguồn vốn tín dụng, trái phiếu... tổ chức thực thi của địa phương cần được tập trung tháo gỡ, thúc đẩy, Chính phủ thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như sau:

- Hoàn thiện thể chế xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, bất động sản đảm bảo đồng bộ, khả thi, trong đó tập trung:

Xây dựng và trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đấu giá (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi)...

Sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật nhằm tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản...

- Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Chính phủ xây dựng, trình đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

Khẩn trương hoàn thiện, triển khai Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của các địa phương.

Đề xuất triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn.

Chính phủ đặt ra 6 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS

Chính phủ đặt ra 6 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS (Ảnh minh họa).

- Nguồn vốn tín dụng

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…  cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn.

Có biện pháp phù hợp, hiệu quả giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản.

- Nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp

Kiểm soát hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán nhằm tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.

Kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản...

- Tổ chức thực hiện của các địa phương

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản trên địa bàn.

Đẩy mạnh phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động sản, nghĩa vụ tài chính về đất đai để tăng nguồn cung cho thị trường.

Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.

- Truyền thông khôi phục niềm tin, hỗ trợ trị trường và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản.

Nguồn Luật Việt Nam.