Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Giải quyết tranh chấp thương mại ngoài tòa án là xu hướng tất yếu

Giải quyết tranh chấp thương mại ngoài tòa án là xu hướng tất yếu

20/05/2020


Tại những quốc gia phát triển, hầu hết các tranh chấp kinh doanh, thương mại, hợp đồng tín dụng, thế chấp, hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu... của doanh nghiệp (DN) đều sử dụng TTTM hoặc HGTM để giải quyết. Vì DN muốn giữ bí mật, uy tín và không muốn công khai thông tin họ đang có tranh chấp.

Hơn nữa, bản thân các bên cũng muốn tranh chấp sớm được giải quyết để tập trung cho các kế hoạch kinh doanh tiếp theo. Trong hợp đồng ký kết giữa các bên, họ thường đưa điều khoản yêu cầu TTTM hoặc HGTM giải quyết, nếu có tranh chấp thay vì là tòa án.

Theo báo cáo của Trung tâm trọng tài Quốc tế Singapore, năm 2017 họ đã nhận xử lý hơn 452 trường hợp tranh chấp thương mại mới (từ 58 quốc gia), tăng 32% so với năm 2016 và tăng 67% so với năm 2015. Điều đó cho thấy, việc chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp thương mại thay vì tòa án đang trở nên phổ biến trên phạm vi toàn cầu.

Hiện cả nước có khoảng 20 trung tâm trọng tài thương mại. Trong đó Trung tâm Trọng tài Thương mại Thịnh Trí là một pháp nhân nằm trong chuỗi Hệ thống luật Thịnh Trí (thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM – HUBA) có văn phòng tại số 4 Trần Quang Diệu, phường 13, quận 3, TP.HCM.

Tại Việt Nam, mặt dù Luật Trọng tài Thương mại đã được Quốc hội thông qua năm 2010, nhưng theo thống kê chỉ có khoảng 10% tranh chấp thương mại, đầu tư giữa các DN được giải quyết thông qua TTTM.

Theo bà Phạm Thị Thu Ánh - Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Thương mại Thịnh Trí - khi phát sinh tranh chấp, DN thường chọn tòa án là cơ quan giải quyết vì từ trước đến nay, họ quen quy trình tố tụng của tòa án; hai là phí trọng tài khá cao và ba là họ ngại rủi ro. Bởi khi đã chọn trọng tài là nơi giải quyết tranh chấp, các bên phải tôn trọng và thi hành phán quyết của trọng tài, cơ hội thay đổi phán quyết là rất thấp, trừ khi họ tìm được các lý do thuyết phục để chứng minh quá trình tố tụng có nhiều sai sót, vi phạm và yêu cầu hủy phán quyết.

Cũng theo bà Phạm Thị Thu Ánh, dù quy trình tố tụng giữa tòa án và TTTM có khác nhau, nhưng tất cả các phán quyết đều dựa trên ý kiến của các đương sự, các chứng cứ thu thập được và luật quy định. Do vậy, yếu tố quan trọng để TTTM có thể giải quyết các tranh chấp một cách thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi giữa các bên là các trọng tài viên (người được hai bên đương sự chọn đứng ra giải quyết tranh chấp - PV).

Giải quyết tranh chấp thương mại ngoài tòa án là xu hướng tất yếu

Bà Phạm Thị Thu Ánh - Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Thương mại Thịnh Trí

Ngoài đáp ứng các tiêu chí theo luật định thì các trọng tài viên phải có khả năng xét xử, đánh giá, phân tích chứng cứ do các bên đưa ra và họ phải đưa ra các phán quyết công bằng, chính xác. Thêm nữa, trọng tài viên cũng cần có khả năng truyền đạt, bởi vai trò của TTTM là phân tích cái đúng - sai của các đương sự, để họ thấu hiểu và đi đến thỏa thuận cuối cùng thấu tình, đạt lý. Ưu điểm của Trung tâm Trọng tài Thương mại Thịnh Trí là có các trọng tài viên nguyên là thẩm phán tòa kinh tế, kiểm soát viên - kiểm soát án kinh tế nên về nghiệp vụ rất vững vàng và phí trọng tài được áp theo án phí, lệ phí như tòa án.

Bên cạnh TTTM, HGTM cũng là một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án được pháp luật thừa nhận. Bà Phạm Thị Thu Ánh cho biết, từ cuối năm 2017 Trung tâm Trọng tài Thương mại Thịnh Trí là đơn vị thứ hai trong cả nước được Bộ Tư pháp cấp phép chức năng HGTM.

Ưu điểm của HGTM là quy trình hòa giải do các bên thỏa thuận hoặc theo các quy tắc hòa giải của trung tâm hòa giải. Các phiên hòa giải có thể có sự tham gia của đầy đủ các bên hoặc chỉ là phiên họp kín giữa hòa giải viên với từng bên.

Những ưu điểm khi giải quyết tranh chấp bằng TTTM hoặc HGTM: Tiết kiệm thời gian và linh hoạt; giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt đối với thương mại hàng hóa; được chủ động về mặt thời gian, địa điểm, ngôn ngữ và luật áp dụng; có thể kết hợp thêm các phương thức hòa giải khác vào bất cứ thời điểm nào trong quá trình diễn ra xử lý tranh chấp…

Khi hòa giải thành thì sẽ có giá trị pháp lý. Nếu một bên không tự nguyện thực hiện thì bên còn lại có thể yêu cầu tòa án có thẩm quyền công nhận kết quả hòa giải thành công, và khi đó cơ quan thi hành án dân sự có thể cưỡng chế thi hành theo pháp luật thi hành án dân sự.

Với đà hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng, đầu tư và giao thương ngày càng mở rộng, việc xử lý tranh chấp thương mại ngoài tòa án sẽ là xu hướng tất yếu mà DN Việt Nam chọn lựa, bà Phạm Thị Thu Ánh chia sẻ.

Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn