Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Trẻ mồ côi vì Covid-19 có tài sản thừa kế phải làm gì?

Trẻ mồ côi vì Covid-19 có tài sản thừa kế phải làm gì?

05/10/2021



Ảnh minh họa

Trẻ mồ côi vì Covid-19 có tài sản thừa kế sẽ phải làm gì để nhận thừa kế? Cuộc trò chuyện giữa Doanh Nhân Sài Gòn và TS. Nguyễn Vinh Huy - Chủ tịch sáng lập Hệ thống luật Thịnh Trí, Phó chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, sẽ làm sáng tỏ vấn đề này.

Hiện có nhiều trẻ em đột ngột mất cha, mẹ hoặc người thân trong đại dịch. Trường hợp các em còn quá nhỏ, có cần thực hiện thủ tục xác định nhân thân cho mình không, thưa ông?

- Đối với các cháu còn quá nhỏ thì việc đầu tiên là cần xác định người giám hộ. Người giám hộ cá nhân hoặc pháp nhân theo luật quy định sẽ được UBND cấp phường/xã đề cử hay Tòa án chỉ định. 

Trẻ em mồ côi cha mẹ nếu còn ông bà thì theo khoản 2 Điều 47 BLDS 2015, ông bà sẽ là hai người giám hộ đương nhiên cho cháu. Nếu trẻ em không có anh chị em là người thành niên, không còn ông bà nội, ngoại, thì người thân thích gần nhất của trẻ như cô, chú, bác, cậu, dì ruột... sẽ là người giám hộ đương nhiên, theo quy định tại Khoản 3 Điều 52 BLDS 2015. 

Ngoại lệ có những trường hợp các bé hoàn toàn không còn ai thân thích thì UBND cấp phường/xã nơi trẻ cư trú phải có trách nhiệm tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng. Nếu có người nhận trẻ em làm con nuôi thì UBND phường/xã xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Nếu không thì phải lập hồ sơ đưa trẻ vào các trung tâm nuôi dưỡng của Nhà nước. 

Người giám hộ phải bảo đảm các nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục và đại diện cho người được giám hộ trong độ tuổi 15-18 trong các giao dịch dân sự. Việc quản lý tài sản, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được giám hộ cũng do người này thực hiện, theo Điều 56 BLDS 2015.

* Với trẻ mới sinh nhưng mất cha, mẹ vì dịch và chưa có giấy khai sinh thì sao?

- Ngoài cha, mẹ thì người khai sinh cho bé có thể là ông, bà hoặc người thân khác trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày trẻ được sinh ra. Nếu nộp trực tiếp, thì người khai sinh sẽ chuẩn bị các giấy tờ là Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu, Bản chính giấy chứng sinh, Văn bản của UBND phường/xã xác nhận về việc giám hộ và giấy tờ nhân thân của người làm khai sinh. Ngoài ra, người giám hộ còn phải làm văn bản cam đoan về nội dung yêu cầu đăng ký hộ tịch. 

Khi chuẩn bị hồ sơ xong, người giám hộ có thể đem đến UBND cấp phường/xã nơi cha mẹ cháu cư trú, hoặc nơi cư trú thực tế của trẻ. Hoặc người giám hộ có thể đăng ký giấy khai sinh online cho trẻ tại  https://dichvucong.gov.vn/p/home/.

Nếu trẻ không có giấy tờ nhân thân của cha mẹ đầy đủ hoặc rõ ràng thì người giám hộ là người thân hoặc người nhận nuôi sẽ làm thủ tục khai sinh theo tên của họ. Trường hợp trẻ không có người nhận nuôi thì các tổ chức nhận nuôi sẽ làm thủ tục này. 

* Cơ quan đại diện pháp luật nào có thể giúp trẻ làm các thủ tục thừa kế? Theo ông, việc này nên thực hiện như thế nào để bảo đảm an toàn cho tài sản của trẻ?

- Khi xác định người giám hộ xong thì mới tới việc làm thủ tục thừa kế. Người thành niên là người đủ 18 tuổi trở lên được tự mình thực hiện các giao dịch. Các em từ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có quyền tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Ngoại trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký, các giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Trẻ mồ côi có thể cùng người đại diện ra văn phòng công chứng thực hiện khai nhận di sản thừa kế. Hồ sơ cần chuẩn bị gồm: phiếu yêu cầu công chứng, bản sao giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản, giấy khai sinh, giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết, giấy đăng ký kết hôn của người để lại di sản, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và giấy tờ liên quan về di sản. Giấy tờ thân nhân của trẻ được hưởng thừa kế gồm chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, hoặc hộ chiếu hoặc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Trong trường hợp trẻ không biết cha mẹ có tài sản gì thì tìm kiếm như thế nào, thưa ông? Hoặc giả tài sản thừa kế có tranh chấp từ trong gia đình hoặc bên ngoài thì trẻ có thể tìm sự giúp đỡ ở đâu và nên chuẩn bị hồ sơ như thế nào?

- Với trường hợp thứ nhất, người giám hộ hoặc người thân có thể tìm đến các tổ chức có chức năng để tư vấn tìm kiếm tài sản của người đã mất hoặc các tổ chức xã hội mà Nhà nước cho phép để được hỗ trợ.

Với trường hợp thứ hai, lý tưởng nhất, theo tôi nên có một tổ chức phi lợi nhuận được sự cho phép của Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ các em toàn diện trong cuộc sống từ tâm lý, giáo dục và các vấn đề kinh tế. Tổ chức này sẽ là nơi có cái nhìn khách quan và bao quát được mọi vấn đề của trẻ. 

* Đối với trẻ dưới tuổi 18 có tài sản thừa kế quá lớn, việc các em sở hữu số tiền lớn hoặc các tài sản tài chính có sinh lời lỗ như chứng khoán, quỹ… thì có nên để các em được quyền quyết định số tài sản khi chưa tới tuổi vị thành niên? Việc này nên được giải quyết như thế nào để vừa đúng luật vừa không thiệt thòi cho các em?

- Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của trẻ - người được giám hộ - phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ. Người giám hộ không được đem tài sản này tặng cho người khác. Nếu phát sinh các loại giao dịch này đều là vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ. 

Trường hợp người giám hộ là ông bà thì có thể thỏa thuận phân chia di sản khi trẻ đủ 18 tuổi. Ông bà có thể nhận phần của mình hoặc tặng phần thừa kế cho trẻ mà không cần phải giám hộ hay đại diện thay trẻ nữa.

* Một số doanh nghiệp hứa hẹn bảo trợ và nuôi trẻ học hành thành tài, một số cá nhân cũng nhận nuôi trẻ mồ côi vì Covid-19, với những trường hợp này, tài sản thừa kế của các em sẽ được quản lý ra sao?

- Các thủ tục cũng sẽ được thực hiện như trên. Việc bảo trợ của tổ chức hay cá nhân sẽ không liên quan đến các thủ tục thừa kế của các em.

* Cám ơn ông đã chia sẻ!

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn Online